Vào tuần thai thứ 32, bé nặng hơn 1,8kg một chút và dài hơn 43cm, cỡ bằng một quả dứa. Bé không còn nhăn nheo và khung xương cũng cứng cáp hơn.
Xương trên hộp sọ bé chưa chụm vào, có thể dịch chuyển và hơi chồng lên nhau để bé dễ chui lọt qua đường sinh khi chào đời. Áp lực tác động lên đầu bé trong quá trình sinh ra lớn đến nỗi nhiều đứa trẻ sinh ra có chóp đầu nhọn hình nón.
Những xương này vẫn chưa khít hẳn lại cho đến khi bé bước vào tuổi trưởng thành, để có thể tiếp tục phát triển cùng với sự phát triển của não bé cũng như các mô khác trong suốt khoảng thời gian thơ ấu và niên thiếu.
Những thay đổi trong cơ thể bạn
Ở tuần thứ 32 của thai kỳ, có thể bạn sẽ có những triệu chứng thai nghén mới hoặc tiếp tục trải nghiệm những triệu chứng cuối thai kỳ do cơ thể bạn phải đáp ứng các nhu cầu phát triển của bé.
Da vùng bụng của bạn bị khô và ngứa do không ngừng giãn ra và săn cứng. Hãy thoa ít kem dưỡng thể để cảm thấy dễ chịu hơn.
Bạn có thể cảm thấy lo lắng khi nghĩ đến việc sinh nở và trách nhiệm làm mẹ sắp đến. Hãy tìm hiểu xem những gì có thể xảy ra và bạn sẽ phải làm gì khi sinh nở cũng như chăm sóc bé sau khi sinh.
Bạn bắt đầu nhận thấy bàn tay, mặt, cẳng chân, mắt cá chân và bàn chân của mình sưng nhẹ do lượng dịch gia tăng trong cơ thể.
Một số tình trạng phù là bình thường, nhưng hãy để bác sĩ kiểm tra giúp bạn cẩn thận.
Chứng phù nề sẽ trở nên trầm trọng hơn vào cuối thai kỳ và nếu bạn có thai vào mùa hè.