Nếu bạn thích trà xanh, việc uống một hoặc hai ly mỗi ngày trong thời gian chuẩn bị có thai sẽ không có hại gì nhưng bạn không nên kỳ vọng là trà xanh sẽ làm tăng đáng kể khả năng thụ thai của bạn.
Các hợp chất có trong trà xanh rất có lợi trong việc bảo vệ sức khỏe, tuy nhiên các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trà xanh không làm tăng khả năng sinh sản. Trà xanh, được làm từ lá trà không lên men, có chứa hóa chất gọi là polyphenol. Các chuyên gia tin rằng hóa chất này hoạt động giống như chất chống oxy hóa, bảo vệ tế bào của cơ thể khỏi những tổn thương có thể dẫn đến ung thư và các bệnh khác.
Một nghiên cứu nhỏ tại Đại học Stanford trên một loại hợp chất dinh dưỡng có chứa chiết xuất từ trà xanh, chasteberry, axit folic, và một loạt các loại vitamin và khoáng chất khác cho thấy kết quả đầy hứa hẹn về công dụng tăng khả năng thụ thai của trà xanh.
Trong nghiên cứu này, một phần ba trong số 15 phụ nữ uống bổ sung hợp chất này có thai sau năm tháng, trong khi không ai trong số họ từng có thai trước đây. Tuy nhiên, nghiên cứu này quá nhỏ để nói chắc chắn rằng hợp chất này có thể cải thiện khả năng sinh sản. Và các nhà nghiên cứu không nói cụ thể rằng các chiết xuất từ trà xanh có ảnh hưởng đáng kể đến việc thụ thai hay không.
Trong thực tế, trà xanh có chứa caffeine và acid tannic, cả hai chất liên quan đến vấn đề sinh sản và làm tăng nguy cơ sẩy thai khi dung nạp với số lượng lớn.
Trước khi bạn chuẩn bị thưởng thức một ấm trà, hãy nhớ rằng hầu hết các loại trà xanh có chứa ít caffeine hơn so với nước trà đen hay cà phê. Mặc dù vậy số lượng caffeine thay đổi tùy theo độ đậm của trà. Một tách trà xanh có chứa khoảng 20 milligram caffeine, nếu so với một tách trà đen cùng kích thì chứa khoảng 40 mg.
Một tách cà phê pha có khoảng 120 mg caffeine, trong khi cà phê hòa tan có khoảng 70mg và một số loại cà phê đặc biệt có đến 300 mg. Để an toàn, bạn nên hạn chế sử dụng caffeine, giữ ở mức khoảng 300 mg một ngày.
Nếu bạn đã cố gắng để thụ thai trong vòng một năm trở lên mà không thành công (Thời gian này sẽ là 3¬6 tháng nếu bạn trên 35 tuổi) hoặc bạn đang có chu kỳ kinh nguyệt không đều, tốt nhất bạn nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa sinh sản.