Ở tuần thai thứ 40, bé dài hơn 50cm, tiếp tục lớn và có thể nặng đến 3,6kg. Bé đã lớn và không thể ở mãi trong bụng của bạn được. Vì sự an toàn của bé, bác sĩ có thể đề cập với bạn về việc “kích sinh” nếu bé vẫn chưa muốn ra đời trong tuần tới.
Hầu hết các bác sĩ sẽ không để quá hai tuần từ ngày dự sinh của bạn vì như thế sẽ đặt bạn và bé vào nguy cơ biến chứng cao. Chỉ một số rất ít phụ nữ có thai kỳ dài hơn ba tuần từ ngày dự sinh. Những bé sinh ở 42 tuần trờ đi da có thể bị khô và thường quá cân.
Thời gian chờ sinh lâu cũng gia tăng khả năng nhiễm trùng tử cung có thể gây nguy hiểm cho bé hoặc gây chết non. Ngoài ra, thai quá tuần dễ bị gia tăng tổn thương khi sinh thường và tăng gấp đôi khả năng bạn phải sinh mổ.
Những thay đổi trong cơ thể bạn
Tuần này, bạn có thể sẽ bị sưng phù. Mắt cá chân và bàn chân sưng húp lên, đi bộ hay đứng lâu một chút cũng thật khó khăn.
Bạn cũng có thể bị khó chịu ở khu vực âm hộ vì bị sưng. Vùng khoang chậu thì có cảm giác nặng nề và tắc nghẽn. Em bé có vẻ như đã xuống rất thấp và bạn có cảm nhận rõ rệt về một khối rắn hơn 4kg (gồm em bé, nhau thai và nước ối) trì nặng ở bên dưới, chỉ chờ để được ra.
Bạn có thể phải đi tiêu thường xuyên hơn, do áp lực của em bé đè lên ruột dưới và trực tràng làm cho bạn không còn nhiều chỗ để tích lũy chất thải nữa. Nếu bạn đã bị táo bón cho đến tận lúc này, bạn có thể sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi đầu em bé gây áp lực lên trực tràng. Bạn cũng sẽ cảm thấy có nhu cầu đi tiểu thường hơn, vì bàng quang cũng không còn nhiều chổ trống để chứa nữa.
Bạn có thể thấy âm đạo tiết ra dịch nhầy có lẫn chút máu. Đó là do lúc này máu đang căng đầy ở cổ tử cung của bạn, và một ít rò rỉ ra bên ngoài. Tình trạng này khá phổ biến.