1. Không “yêu” đủ
Đừng nghĩ cắt giảm “tần suất” để “tiết kiệm” tinh trùng sẽ khiến mang thai dễ dàng hơn. Cũng không nên chỉ chăm chăm “canh” ngày rụng trứng. Làm như thế nghĩa là bạn đang bỏ qua giai đoạn thụ thai “màu mỡ”, bởi nhiều người tính nhầm ngày rụng trứng của mình.
Thay vì chọn thời điểm, các chuyên gia khuyên vợ chồng nên “yêu” thường xuyên, tùy nhu cầu của họ, đặc biệt chú ý đến vài ngày trước khi rụng trứng.
2. “Yêu” quá nhiều
Một số người nghĩ càng “yêu” nhiều thì càng dễ có em bé. Nhưng quan niệm này không hoàn toàn đúng. Dù “yêu” nhiều không ảnh hưởng tới chất lượng tinh trùng nhưng bác sĩ tin là, nếu “hoạt động” quá độ cũng dẫn tới nhiều vấn đề.
3. Luôn nghĩ “chậm” là do phụ nữ
Khi một cặp vợ chồng khó thụ thai, nhiều người (trong đó có cả vợ chồng) tự động nghĩ vấn đề nằm ở phụ nữ. Đàn ông ít khi tin (hoặc bị tin) là lỗi nằm ở họ. Khi “xuất” được (dù có tinh trùng hay không), nam giới đều tự cho là mình có “con giống” tốt. Nhưng điều này không đúng.
Nếu hiếm muộn, lý do cần nghĩ tới là do phụ nữ, nam giới hoặc cả hai (cũng có khi hiếm muộn không giải thích được). Khoảng 50% vấn đề nằm ở người vợ, 40% ở người chồng và 10% là do cả hai.
4. Tính toán ngày rụng trứng sai
Nhiều phụ nữ tính ngày rụng trứng là ngày thứ 14 sau ngày đầu tiên của chu kỳ. Tuy nhiên do độ dài chu kỳ khác nhau nên ngày rụng trứng không phải luôn xảy ra đúng thời điểm mỗi tháng.
Nhiều phụ nữ còn tin họ tính đúng ngày rụng trứng vì dựa trên các dấu hiệu nhận biết. Đó là tăng tiết dịch âm đạo như lòng trắng trứng một vài ngày trước ngày rụng trứng. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ nhầm dịch tiết âm đạo bình thường với dịch tiết báo hiệu rụng trứng.
5. Vội vã tìm kiếm chuyên gia
Sau 2-3 tháng “cố” mà chưa có kết quả, bạn cũng đừng vội nản lòng. Ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, nhiều cặp vợ chồng khỏe mạnh cũng phải mất vài tháng mới có tin vui. Nếu bạn dưới 35 tuổi, kinh nguyệt đều, không tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe sinh sản thì bạn cứ yên tâm trong vòng 1 năm.
6. Không đi khám sớm
Trong một số trường hợp, nhìn ra vấn đề sinh sản của bạn và đi khám sớm là gợi ý tốt nhất. Nếu bạn trên 35 tuổi, sau 6 tháng “giao ban” mà chưa có gì thì bạn nên đi khám. Nếu bạn còn trẻ nhưng kinh nguyệt không đều, có tiền sử bệnh qua đường tình dục, mang thai ngoài tử cung, viêm vùng chậu hoặc các vấn đề khác có ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản và mang thai thì bạn cũng nên đi khám ngay.
7. Bỏ qua sức khỏe tổng quát
Thông thường, khi một cặp đôi đang cố gắng thụ thai, họ chỉ tập trung vào sức khỏe sinh sản mà bỏ qua sức khỏe tổng quát. Các vấn đề như cân nặng, dùng thuốc, hút thuốc lá, căng thẳng có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của bạn.
Trước khi cố gắng thụ thai, tốt nhất hai vợ chồng bạn nên đi khám sức khỏe tổng quát.