Từ tuần thứ 18 của thai kỳ, thính giác của bé đã được hình thành, bé có thể nghe được những tiếng ồn bên ngoài tử cung cũng như nhận ra giọng nói của mẹ. Vì vậy bạn hãy thường xuyên trò chuyện với bé để khi sinh ra bé có thể nhận ra giọng nói của bạn.
Bé lúc này dài khoảng 13.5 cm tính từ đỉnh đầu tới mông. Một lớp mỏng màu trắng được gọi là gây phủ khắp cơ thể giúp bảo vệ da trong môi trường nước ối cũng như giúp bé di chuyển dễ dàng hơn. Hiện giờ, bé được bao quanh bởi 320 ml nước ối với nhiệt độ duy trì ở mức hơi cao hơn một chút so nhiệt độ cơ thể bạn. Nhiệt độ này sẽ giúp bé luôn cảm thấy ấm áp.
Cảm giác “máy bụng” không còn mơ hồ. Những cú đạp và nhào lộn cho thấy bé đang phát triển và sự hoạt động hăng hái cuả bé như một cách đáng yêu báo cho bạn biết rằng bé của bạn đang khỏe mạnh.
Những thay đổi trong cơ thể bạn
Ở tuần thứ 18 cuả thai kỳ, bạn đừng lo lắng nếu kết quả siêu âm cho thấy bánh nhau cuả bạn nằm ở đáy tử cung. Mặc dù bánh nhau được gắn kết chặt chẽ với thành tử cung, tử cung cuả bạn vẫn sẽ ngày một lớn hơn để phù hợp với sự phát triển cuả bé, vì vậy, không nhất thiết bánh nhau phải cố định một chỗ.
Lúc này, tử cung đã cao ngang rốn. Bụng cuả bạn sẽ lộ rõ hơn, đặc biệt là vùng từ dưới cánh tay đến eo sẽ trở nên to hơn. Nếu đây là lần mang thai thứ hai, bụng cuả bạn lúc này sẽ còn lớn hơn nữa do các cơ bụng ngày càng giãn ra, không còn săn chắc như trước.
Tim bạn làm việc tích cực hơn để bơm khoảng 7 lít máu mỗi phút để đi khắp cơ thể. Do ảnh hưởng cuả sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ, các mạch máu sẽ phình to nhằm giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Việc này gây chèn ép tĩnh mạch và là nguyên nhân cuả bệnh giãn tĩnh mạch và bệnh trĩ thường phổ biến trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, các chứng bệnh này sẽ giảm sau khi sinh bé, vì vậy bạn đừng quá lo lắng.
Đôi khi bạn cảm thấy nóng ran quanh vùng ngực, nách và háng. Nhiệt độ cơ thể tăng hơn một vài độ so với bình thường khiến bạn dễ bị đổ mồ hôi. Vì thế, bạn nên chọn quần áo lót đúng kích cỡ và làm từ chất liệu cotton thoáng mát, không nhất thiết phải đẹp mắt vì điều quan trọng là bạn thật sự cảm thấy thoải mái.
Trên 50% phụ nữ mang thai phải đối mặt với bệnh nám da thai kỳ. Phần lớn, khi mang thai, da cuả phụ nữ trở nên xỉn màu, lỗ chân lông to, vùng chữ T bóng nhờn, vùng da ở gò má xuất hiện các vết nám. Nguyên nhân là do nội tiết trong cơ thể thay đổi làm rối loạn sắc tố da. Sạm da khi mang thai chỉ là một hiện tượng sinh lý thông thường và phần lớn các vệt nám này sẽ sớm biến mất sau khi bé chào đời. Vì vậy, các bà bầu không nên quá lo lắng, ảnh hưởng tới sức khoẻ. Nếu muốn, bạn có thể dùng một chút phấn nền hoặc kem che khuyết điểm để che đi các vết nám không mong muốn. Ngoài ra, bạn nên dùng kem chống nắng khi đi ra đường. Các tia UVA và UVB có trong ánh nắng mặt trời sẽ càng làm cho tình trạng nám trở nên tồi tệ hơn.
Chóng mặt là hiện tượng khá phổ biến trong giai đoạn thứ 2 và giai đoạn cuối cuả thai kỳ. Bạn không nên đứng quá lâu hay đột ngột bật dậy khi đang nằm. Hãy để cơ thể có thời gian thích nghi với tư thế mới.