Những nguyên tắc cơ bản cần biết khi điều trị vô sinh

Theo thống kê, ở Việt Nam hiện nay càng có nhiều cặp vợ chồng bị ảnh hưởng bởi vô sinh hiếm muộn. Trung bình, cứ 4 cặp vợ chồng sẽ có 1 cặp gặp vấn đề về khả năng sinh sản. Điều trị vô sinh hiếm muộn chưa bao giờ là hành trình suôn sẻ đối với các cặp vợ chồng và cũng đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ ngành sản khoa. Hãy tham khảo các thông tin dưới đây để biết được bạn cần làm gì để chuẩn bị đương đầu với “cuộc chiến” gian nan này.

1. Vô sinh- vấn đề không phải của riêng ai

Quan điểm truyền thống thường áp đặt tình trạng vô sinh là do người phụ nữ. Điều đó hoàn toàn không đúng. Thực tế thì 35% trường hợp nguyên nhân vô sinh là do vợ, 35% trường hợp nguyên nhân vô sinh do chồng , 20% trường hợp là do cả hai và 10% còn lại là vô sinh không rõ nguyên nhân.

2. Khi nào nên đi khám vô sinh?

Vô sinh, hiếm muộn là tình trạng những cặp vợ chồng chung sống trong 1 năm, thường xuyên quan hệ tình dục 2-3 lần/ tuần và không sử dụng các biện pháp tránh thai nhưng vẫn không thể thụ thai.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, những cặp đôi khỏe mạnh dưới 35 tuổi có thể chờ 1 năm trước khi quyết định đi khám và điều trị vô sinh. Nhưng với  những phụ nữ trên 35 hoặc đã từng có thai, nếu sau 6 tháng không có “tiến triển”, bạn nên nhanh chóng đi khám để được tư vấn và điều trị sớm.

3. Tuổi tác của nam giới có ảnh hưởng cơ hội thụ thai?

Không chỉ ảnh hưởng đến số lượng tinh trùng, tuổi tác còn tác động tiêu cực đến chất lượng tinh trùng, gây nên bất thường nhiễm sắc thể. Theo thống kê, nam giới trên 40 tuổi có tỷ lệ sinh con bị các bệnh di truyền và nguy cơ dị tật bẩm sinh cao hơn. Ngoài ra, tuổi tác của các “đấng mày râu” cũng là nhân tố làm tăng nguy cơ sảy thai sớm.

4. Các bước cơ bản khi khám vô sinh hiếm muộn

  1. Cả hai vợ chồng cần đến gặp bác sĩ.
  2. Khám phụ khoa và nam khoa.
  3. Làm siêu âm, xét nghiệm sàng lọc bệnh lây qua đường tình dục như HIV, HbsAg (viêm gan B) , BW (giang mai)…
  4. Nếu kết quả xét nghiệm bình thường, người chồng cần làm xét nghiệm tinh dịch đồ.
  5. Sau khi sạch kinh nguyệt 2 ngày, người vợ được chụp cản quang buồng tử cung – vòi trứng (HSG). Sau đó cần dùng thuốc kháng sinh tránh nhiễm trùng.
  6. Đối với trường hợp kinh nguyệt không đều hoặc phụ nữ ở tuổi 40 trở lên thì cần thực hiện xét nghiệm nội tiết (vào ngày thứ 2 hoặc 3 của vòng kinh).
  7. Căn cứ vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán nguyên nhân và xác định phác đồ điều trị vô sinh hiếm muộn cho từng trường hợp.
  8. Tái khám theo đúng hẹn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *