Hôn bé sơ sinh, ngồi quá lâu hoặc đưa ra những lời khuyên… là việc không nên làm khi đến thăm bà đẻ.
Bạn đang có kế hoạch đi thăm người thân hoặc bạn bè mới sinh con, tuy nhiên bạn cần biết rằng sản phụ mới sinh nở còn rất mệt và yếu nên cần nhiều thời gian để nghỉ ngơi. Thêm nữa, chắc chắn bà đẻ cũng không muốn nói chuyện quá nhiều nên để không ảnh hưởng đến em bé và mẹ mới sinh, các bạn nên chú ý tránh nhưng điều dưới đây (đây chắc chắn là suy nghĩ của bất cứ bà đẻ nào, chỉ là họ không muốn nói trực tiếp, sợ mất lòng bạn thôi):
Hút thuốc
Hầu hết các bệnh viện ngày nay đều cấm hút thuốc lá và phải mặc áo của bệnh viện khi vào thăm em bé. Tuy nhiên nếu bạn vừa hút thuốc trước đó hoặc quần áo ảm mùi khói thuốc đều nên thay trước khi bước vào phòng bà đẻ. Khói thuốc lá hoặc mùi khói thuốc sẽ gây khó chịu cho chính em bé và mẹ mới sinh cũng như gây ra mùi khó chịu dù bạn đã đi ra khỏi phòng.
Uống trà, nước nóng trong phòng
Không có gì đáng sợ hơn khi thấy một người nhâm nhi ly trà nóng hoặc cầm ly nước nóng xung quanh đứa trẻ mới sinh. Nếu không cẩn thận có thể sẽ làm rơi rớt vào em bé, trong khi phòng bệnh là rất nhỏ. Vì vậy bạn cần chú ý tránh hành động này.
Đưa trẻ em đi cùng
Sản phụ mới sinh con thường rất mệt mỏi, cần không gian yên tĩnh để nghỉ ngơi. Em bé mới ra khỏi bụng mẹ cũng thế, rất dễ bị giật mình. Vì vậy nếu có sự có mặt của những đứa trẻ sẽ khiến không gian bị đảo lộn, thậm chí là rất ồn ào mà chính bạn cũng không thể ngăn cấm được con mình. Vì vậy, tốt hơn cả, không nên mang theo trẻ em đến thăm bà đẻ.
Ngồi quá lâu
Bạn cần biết rằng sản phụ sau sinh rất đau đớn, mệt mỏi cần nhiều thời gian nghỉ ngơi và họ còn phải hút sữa, cho con bú, vệ sinh cá nhân… vì vậy khi đến thăm, bạn không nên ngồi quá lâu, làm phiền đến bà đẻ.
Chưa rửa tay sạch sẽ
Bàn tay của bạn có thể sẽ chứa nhiều vi trùng từ bên ngoài, kể cả quần áo của bạn cũng vậy. Vì thế, trước khi bước vào phòng thăm, nên rửa tay sạch sẽ và cũng nên thay quần áo sạch trước khi đến thăm.
Đánh thức bé sơ sinh
Đây thực sự là một hành động rất vô duyên và nhiền sản phụ cảm thấy khó chịu bởi bạn cần biết trẻ sơ sinh dành phần lớn thời gian để ngủ để phát triển. Việc bị đánh thức có thể khiến em bé quấy khóc và làm sản phụ mệt mỏi để ăm bế bé.
Thăm bà đẻ khi đang bị ốm
Bạn không thể nói trước được tình hình sức khỏe của mình, vì vậy nếu bạn đang bị cảm, ốm hoặc mắc bất cứ bệnh gì, hãy hoãn cuộc đến thăm. Trẻ sơ sinh sức đề kháng đang yếu nên rất dễ nhiễm bệnh.
Bế bé khi chưa được sự đồng ý của gia đình
Mặc dù bạn rất muốn bế một em bé sơ sinh nhưng hãy kiên nhẫn chờ đợi người nhà hoặc sản phụ bế bé lên và trao cho bạn. Thực tế là rất nhiều sản phụ không hề muốn người khác bế con mình hoặc có thể là lúc bé đang ngủ và họ không muốn bất cứ ai làm phiền đến bé.
Hôn bé sơ sinh
Đây là việc làm cấm kỵ cho dù sản phụ và gia đình có cho phép hay không. Đã từng có những vụ việc bé sơ sinh chết chỉ vì bị người lớn hôn, gây nhiễm bệnh cho các bé. Vì vậy, bạn tuyệt đối không được làm việc này khi bế bé.
Khư khư bế bé khi bé khóc
Khi bé khóc, việc cần làm là hãy giao lại cho mẹ hoặc người nhà của bé. Rất có thể em bé đang đói hoặc vừa tè, ị và cần được ăn hoặc thay tã, bỉm. Bố mẹ và những người trực tiếp chăm sóc bé sẽ biết bé khóc vì lý do gì và nhờ đó em bé cũng sẽ nín nhanh hơn.
Dọn dẹp trước khi về
Nhà có em bé mới chào đời sẽ rất bận rộn, vì vậy trước khi về, bạn nên dọn dẹp những tờ giấy bọc quà hay cốc uống nước… để không làm phiền đến sản phụ.
Nhìn chằm chằm vào sản phụ khi đang cho con bú
Cho con bú khi mới sinh là việc khá khó khăn và cũng rất tế nhị và chắc chắn không ai muốn bị nhìn chằm chằm khi họ đang làm việc này. Hãy đừng trò chuyện về việc cho con bú, chuyển sang nói chuyện cùng với người nhà của sản phụ là việc lịch sự mà bạn nên làm.
Đưa ra những lời khuyên
Nếu sản phụ hỏi bạn về những kinh nghiệm chăm sóc sau sinh, hãy nhiệt tình cung cấp cho họ. Tuy nhiên nếu sản phụ không hỏi, hãy đừng đưa ra những ý kiến của cá nhân mình bởi mỗi người có một cách chăm sóc bé khác nhau và họ chắc chắn cũng không muốn bị chê là không biết chăm con hoặc chăm bé không đúng cách. Bạn chỉ cần thăm hỏi, lắng nghe và hỗ trợ khi cần thiết là đủ.
Theo: Eva.vn